Giá nhà đất Hà Nội tăng chóng mặt thời gian qua khiến các nhà đầu tư “rút chân” khỏi Thủ đô và dịch chuyển tới các tỉnh thành có sự phát triển mạnh về hạ tầng kết nối, tốc độ đô thị hóa cao, kinh tế tăng trưởng, tập trung nhiều dự án tốt và dư địa tăng giá cao
Sóng tăng giá nhà đất Hà Nội “không hồi kết”
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản (BĐS) Hà Nội liên tục sốt nóng ở tất cả các phân khúc gồm chung cư, nhà đất đến biệt thự, liền kề. Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng cũng lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô khi nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, thời gian gần đây, loại hình đất đấu giá đất vùng ven Hà Nội cũng đang thu hút sự quan tâm lớn với giá trúng cao ngất ngưởng.
Khởi đầu chu kỳ tăng giá là phân khúc chung cư. Theo báo cáo tiêu điểm thị trường BĐS Hà Nội quý III của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), bình quân giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đã lên ngưỡng gần 70 triệu đồng một m2, chỉ còn kém thị trường TP HCM khoảng 3%. Chuyên gia CBRE Việt Nam cũng nhận định “lần đầu tiên trong lịch sử, giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn như vậy”. Cùng với chung cư, giá đất nền, biệt thự, liền kề tại Hà Nội cũng leo thang. Trong quý III, giá nhà liền thổ tại Hà Nội đã tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 235 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng cũng tăng gần 7% theo năm, đạt gần 170 triệu đồng/m2. Nền giá cao và liên tục tăng “phi lý” cũng là rào cản lớn với các nhà đầu tư có khẩu vị dài hạn.
Nhiều nhà đầu tư “hụt hơi” trong cuộc đua mua nhà Hà Nội
Trong tháng 8/2024, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, mức giá trúng cao nhất gần 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Phiên đấu giá tại huyện Hoài Đức thậm chí được tổ chức xuyên đêm đến rạng sáng ngày 20/8, với lô cao nhất giá 133,3 triệu đồng/m2, cao hơn 18 lần giá khởi điểm. Đây là mức giá mà nhiều nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá “vượt quá xa” giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực. Sự việc đã khiến TP Hà Nội phải yêu cầu kiểm tra việc đấu giá đất tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai, đồng thời rà soát lại các quận, huyện còn lại nhằm tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá…
Khi làn sóng bức xúc vì giá BĐS Hà Nội liên tục tăng cao, nhiều người dùng facebook đã thành lập và tham gia cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội. Chỉ trong vài tháng, các hội nhóm này đã thu hút từ 200.000 đến 300.000 người. Ngoài thông tin về giá cả, kinh nghiệm mua nhà, những bài chia sẻ về mong muốn “di cư” rời Hà Nội chuyển đến các tỉnh phát triển khác cũng có hàng trăm lượt tương tác, thậm chí lên tới hàng nghìn.
Sau chuỗi ngày chật vật làm việc vẫn không đủ tiền mua nhà, nhiều người đã “từ bỏ giấc mơ” mua nhà Hà Nội để về quê an cư, lập nghiệp. Nhờ hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, người trẻ lựa chọn ở các tỉnh có hạ tầng giao thông phát triển để có thể di chuyển về Thủ đô với khoảng thời gian ngắn.
Xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển về BĐS tỉnh
Trong bối cảnh giá nhà đất “vượt xa” túi tiền, ngày càng nhiều nhà đầu tư dịch chuyển ra các tỉnh thay vì tập trung vào BĐS Hà Nội. Xu hướng này bắt đầu từ cuối quý I và ngày càng diễn ra mạnh mẽ khi quỹ đất thực hiện dự án ở các quận nội đô Hà Nội chỉ còn rất ít, đặc biệt khi thị trường vùng ven chứng kiến mức giá leo thang đỉnh điểm ở phân khúc biệt thự, liền kề vào quý III/2024.
Nhà đầu tư thường tập trung hướng đến các địa phương có nhiều tiềm năng và động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, sở hữu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng hay sở hữu các khu công nghiệp lớn Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Đây cũng là những thị trường đã được “lửa thử vàng” trong giai đoạn BĐS “đóng băng” thời gian vừa qua.
Hiện giá các phân khúc BĐS tại Hà Nội đều đã đạt ngưỡng đỉnh, để đầu tư BĐS đô thị như biệt thự, nhà liền kề, nhà đầu tư có thể phải bỏ ra số tiền tối thiểu hàng chục tỷ đồng. Đây là số tiền mà không phải ai cũng có sẵn hoặc đủ điều kiện để vay ngân hàng. Trong khi đó, cùng với số tiền này, nhà đầu tư lại có thể mua từ 2-3 BĐS cùng diện tích ở các khu đô thị kiểu mẫu của tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên….. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mặt bằng giá hợp lý với các suất đầu tư “vừa túi tiền” là một trong những điểm mấu chốt hút dòng tiền đầu tư về với các thị trường BĐS tỉnh. Thay vì đầu tư vào một nhà phố tại Thủ đô, nhà đầu tư có thể chia nhỏ và phân bổ cơ hội sinh lời vào các khu đô thị hiện đại, trung tâm thành phố, đón sóng tăng trưởng hạ tầng, đô thị của địa phương.
Để an cư và đầu tư, nhiều người trẻ ưu tiên các BĐS đô thị có hệ thống tiện ích hiện đại, khép kín, kết nối trực tiếp với các trục giao thông lớn để thuận tiện trong di chuyển. Đây là yếu tố “nội sinh” quan trọng giúp giá trị BĐS tăng trưởng theo thời gian. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng xu hướng dịch chuyển của người trẻ và nhà đầu tư về các tỉnh phát triển sẽ trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với tốc độ phát triển hạ tầng, đô thị của địa phương, chuyển dịch nơi an cư, đầu tư về BĐS tỉnh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho giới đầu tư nhanh nhạy đón đầu.
(trích nguồn cafef )